Chi tiết bài viết

cười nghiêng ngả với các giải IgNobel 2014

Đăng lúc: 20-09-2014 07:28:20 AM - Đã xem: 3178

ười nghiêng ngả với các giải IgNobel 2014

Cười nghiêng ngả với các giải IgNobel 2014

Nghiên cứu nhằm tìm hiểu tại sao chuối lại trơn trượt khi bạn giẫm phải chúng, đã giành được một trong những giải thưởng quan trọng của Ig Nobel 2014, giải thưởng nhại lại giải Nobel danh tiếng, hay còn gọi là "giải Nobel ngớ ngẩn".

 

IgNobel 2014, giải nhại Nobel, hài hước, chuối trơn trượt, công trình nghiên cứu

Nhà nghiên cứu Nhật Kiyoshi Mabuchi trên bục diễn thuyết về công trình nghiên cứu "tại sao chuối trơn trượt" đoạt giải IgNobel Vật lý 2014. Ảnh: Word Press

Buổi lễ trao giải cho những thành tựu và công trình nghiên cứu  "đầu tiên làm con người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ” vừa diễn ra theo thông lệ hàng năm tại Đại học Harvard, Mỹ. Marc Abrahams, biên tập viên của tạp chí Annals of Improbable Research, đơn vị tổ chức vào trao giải thưởng IgNobel, tuyên bố, các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu rõ ràng cũng quan tâm tới việc thắng giải IgNobel.

Ông Abrahams tiết lộ: "Chúng tôi đang nhận được khoảng 9.000 đề cử tranh giải mỗi năm. Khoảng 10% - 20% trong số này là tự đề cử, nhưng chúng rất khó được trao giải. Nhìn chung đó là vì họ đang cố gắng tỏ ra hài hước. Trong khi, những người đoạt giải có lẽ không khởi đầu nghiên cứu như vậy và chỉ nhận ra sau đó rằng, họ thực sự đã tạo ra một công trình thuộc dạng hài hước".

Công trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu tại sao chuối lại trơn trượt khi chúng ta giẫm lên chúng đã mang lại giải thưởng IgNobel Vật lý 2014 cho nhà nghiên cứu Nhật Kiyoshi Mabuchi và các cộng sự đến từ Đại học Kitasato.

Các nhà khoa học Nhật rất quan tâm đến việc ma sát và sự bôi trơn ảnh hưởng như thế nào tới vận động các chi của chúng ta. Họ đã tiến hành đo ma sát của vỏ chuối trong phòng thí nghiệm và lý giải tại sao vỏ táo và vỏ cam không nguy hiểm như khi bị giẫm lên như vỏ chuối.

Nhóm nghiên cứu của ông Mabuchi cũng phát hiện, các gen hữu cơ tạo nên những đặc tính trơn trượt cho vỏ chuối cũng tồn tại trong màng tiếp xúc giữa các xương của chúng ta. "Hiểu biết này sẽ hữu ích cho việc thiết kế một bộ phận cơ thể giả có khớp nối", ông Mabuchi nhấn mạnh.

Trong số các công trình được vinh danh tại lễ trao thưởng "nhại Nobel" lần thứ 24 năm nay, đáng chú ý còn có nghiên cứu bộ não của những người nhìn thấy khuôn mặt Chúa Jesus và các hình tượng khác trong các lát bánh mỳ nướng. Nhà nghiên cứu Kang Lee thuộc Đại học Toronto, Canada và các cộng sự đã cho những người tình nguyện xem các bức ảnh về "tiếng ồn", giống như các vết lốm đốm ngẫu nhiên chúng ta thường thấy trên tivi cũ, không được tinh chỉnh, để xem họ sẽ nhận diện các kiểu mẫu nào.

Xu hướng nhìn thấy trật tự trong sự ngẫu nhiên, giống như một khuôn mặt trong các phần bị nướng sém của một lát bánh mỳ, là một hiện tượng đã được biết đến trước đây, có tên gọi là hiện tượng "pareidolia". Sử dụng việc quét ảnh cộng hưởng từ chức năng, nhóm của ông Lee đã quan sát được cùng các vùng não bật sáng như thế nào khi chúng ta nhìn thấy các khuôn mặt không tồn tại cũng như khi chúng ta nhìn thấy các khuôn mặt có thật.

Các chuyên gia giải thích, dạng nhận diện kiểu mẫu này gắn liền với mỗi người, và ngay cả loài tinh tinh cũng trải nghiệm nó. "Khuôn mặt bạn sẽ nhìn thấy do các kỳ vọng hoặc niềm tin cá nhân của bạn quyết định. Do đó, các tín đồ đạo Phật có thể không nhìn thấy Chúa Jesus trên bánh mỳ nướng, nhưng có thể quan sát thấy hình Đức Phật nổi lên trên đó", ông Lee cho biết thêm.

Dưới đây là danh sách đầy đủ 10 công trình và nhóm tác giả được vinh danh tại lễ trao giải IgNobel 2014:

IgNobel Vật lý: Kiyoshi Mabuchi thuộc Đại học Kitasato, Nhật và các cộng sự với công trình đo lượng ma sát giữa một chiếc giày và một vỏ chuối, cũng như giữa một vỏ chuối với sàn nhà, khi một người giẫm lên vỏ chuối đang nằm trên sàn nhà.

IgNobel Thần kinh học: Kang Lee thuộc Đại học Toronto, Canada và các cộng sự với nỗ lực tìm hiểu điều gì xảy ra trong bộ não của những người nhìn thấy khuôn mặt Chúa Jesus trong một lát bánh mỳ nướng.

IgNobel Sức khỏe cộng đồng: Peter Jonason thuộc Đại học Charles, Cộng hòa Czech và các cộng sự với công trình tìm hiểu xem liệu việc sở hữu một con mèo có nguy hiểm về mặt tinh thần đối với một người hay không.

IgNobel Nghệ thuật: Vlastimil Hart thuộc Đại học Khoa học cuộc sống Czech và các cộng sự với thành tựu đo cơn đau tương đối mà mọi người phải hứng chịu trong khi chiêm ngưỡng một bức họa xấu xí, thay vì một bức họa đẹp, và trong khi bị một tia laser mạnh bắn vào tay.

IgNobel Kinh tế: Viện thống kê Italia với sự tự hào đi đầu trong việc hoàn thành ủy thác của Liên minh châu Âu đối với mỗi nước về việc gia tăng quy mô nền kinh tế quốc gia, bằng cách tính thêm cả lợi tức từ hoạt động mại dâm, buôn bán chất gây nghiện trái phép và các giao dịch tài chính bất hợp pháp khác giữa những đối tượng tự nguyện.

IgNobel Y học: Eigil Reimers thuộc Đại học Michigan, Mỹ và các cộng sự với việc chữa trị sự chảy máu cam "thiếu kiểm soát", sử dụng phương pháp nút mũi bằng các miếng thịt lợn.

IgNobel Khoa học Bắc cực: Eigil Reimers thuộc Đại học Oslo, Na Uy và các cộng sự với nghiên cứu về cách tuần lộc phản ứng khi nhìn thấy con người giả trang thành gấu Bắc cực.

IgNobel Dinh dưỡng: Raquel Rubio thuộc Viện nghiên cứu IRTA, Tây Ban Nha và các cộng sự với công trình nghiên cứu nhan đề "Mô tả đặc kính của các vi khuẩn axit lactic phân tách từ phân trẻ sơ sinh như mẻ cấy lợi khuẩn tiềm năng cho các xúc xích lên men".

IgNobel Tâm lý học: Peter K Jonason thuộc Đại học Tây Sydney và các cộng sự với phát hiện những người hay thức khuya (nhóm "cú đêm") yêu bản thân mình hơn, xảo quyệt hơn và dễ bị tâm thần hơn những người thích dậy sớm.

IgNobel Sinh học: một nhóm các nhà khoa học Đức và Pháp với khám phá loài chó “giải quyết nỗi buồn” theo đúng trục của từ trường Trái đất, tức là thường quay mặt về cực Bắc và hướng mông về cực Nam.

Giải Ig Nobel là giải “nhại” theo giải Nobel và còn được gọi là giải "Nobel ngớ ngẩn". Giải thưởng này được trao cho những khám phá bất ngờ và gây cười ("đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ”) thuộc các lĩnh vực tương tự giải Nobel “thật” như vật lý, hóa học, sinh lý học hay y học và bổ sung thêm sức khoẻ cộng đồng, kĩ thuật, và một số ngành khoa học khác.

 Giải Ig Nobel được tổ chực chọn lựa và trao bởi tạp chí Annals of Improbable Research (Biên niên Nghiên cứu “bất khả thi”). Giải thưởng chỉ là một chiếc cúp tượng trưng và một tờ giấy chứng nhận. Người thắng giải phải tự túc mọi mặt khi đến dự trao thưởng.

 Danh sách những “nhà Ig Nobel” được công bố và trao tặng hàng năm vào đầu mùa thu, trước và gần với thời gian mà giải Nobel chính thức được công bố. Giải Ig Nobel đầu tiên được trao vào năm 1991.

 Trong lịch sử giải Ig Nobel có trường hợp đặc biệt là nhà Vật lý gốc Nga, Andre Geim, trở thành người đầu tiên nhận được cả 2 loại giải: Nobel truyền thống (năm 2010) và Ig Nobel (năm 2000). Điều này chứng tỏ tầm trí tuệ ở cả các tác giả của giải Ig Nobel.

Tuấn Anh(Tổng hợp

Tin tức - sự kiện

Video

Sản phẩm tiêu biểu

Hỗ trợ trực tuyến

Truong Dung:

0982676485

Fax:

mydung102@gmail.com
Hỗ trợ trực tuyến

Kinh doanh:

0907 019 019

Fax:

08-62564671
Hỗ trợ trực tuyến

Thống kê truy cập

Online:

3

Tổng truy cập:

666494