Chi tiết bài viết

Hệ thống phòng chữa cháy giúp thoát hiểm an toàn

Đăng lúc: 12-09-2014 07:31:15 AM - Đã xem: 3383

Hệ thống phòng chữa cháy giúp thoát hiểm an toàn

Hệ thống phòng chữa cháy giúp thoát hiểm an toàn

Các phương tiện máy bay cứu hộ, xe thang cứu hộ chỉ là phương tiện bổ sung trong trường hợp khẩn cấp và chỉ cứu được rất ít người, mà chính hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) của tòa nhà cao tầng và cầu thang bộ thoát hiểm là phương tiện tự cứu người hiệu quả nhất.

Để tìm ra nguyên nhân cháy, chúng ta hãy phân tích hệ thống PCCC dựa trên tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Một tòa nhà cao tầng phải có khả năng “tự đứng vững và tự bảo vệ” trước khi có sự trợ giúp của lực lượng PCCC.

1. Cầu thang bộ thoát hiểm phải là khoang ngăn lửa theo TCVN 5738 - 2001 và TCVN 6160 - 1996, tất cả các hệ thống kỹ thuật khác không được phép hiện diện trong cầu thang bộ thoát hiểm ngoại trừ hệ thống tạo áp cầu thang và hệ thống ống nước chữa cháy. Ngoài ra các yếu tố sau cần phải được tuân thủ: a) cáp điện cấp đến quạt tạo áp là loại cáp chịu lửa, b) trục tạo áp phải là khoang ngăn lửa và không có bất kỳ đường ống kỹ thuật khác nào bên trong.

2. TCVN 6160 - 1996 và QCVN 06-2010 yêu cầu mỗi căn hộ là một khoang ngăn lửa 45 phút, bao gồm tường ngăn và cửa ra vào, và chất ngăn cháy lan đặt tại vị trí ống, máng điện… đi vào và đi ra căn hộ theo chiều ngang và chiều đứng. Chất ngăn cháy lan đảm bảo giãn nở khi có cháy để bít kín lỗ xuyên của đường ống, cáp điện, ngăn không cho lửa lan qua lỗ xuyên của đường ống. Đầu phun chữa cháy tự động trong căn hộ dập tắt lửa sớm khi có cháy, hạn chế phát sinh khói và gởi tín hiệu báo cháy đến trung tâm báo cháy. Như vậy, khi phát cháy trong căn hộ thì lửa bị giam trong căn hộ ít nhất là 45 phút, đủ để cư dân chạy thoát bằng cầu thang bộ thoát hiểm và đủ để lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (CSPCCC) thực hiện nhiệm vụ chữa cháy của mình.

3. TCVN 6160 - 1996 yêu cầu phải có chất ngăn cháy lan tại các vị trí ống, máng điện… đi xuyên qua các tầng theo chiều đứng và tại các trục kỹ thuật. Chất ngăn cháy lan đảm bảo giãn nở khi có cháy để bít kín lỗ xuyên của đường ống, cáp điện, ngăn không cho lửa lan từ tầng có cháy sang các tầng khác. Đầu phun chữa cháy tự động trong các hành lang chung dập tắt lửa sớm khi có cháy, hạn chế phát sinh khói và gởi tín hiệu báo cháy đến trung tâm báo cháy.

4. TCVN 6160 - 1996 yêu cầu mỗi một tầng/sàn (tầng căn hộ, tầng văn phòng, tầng thương mại, tầng hầm…) là một khoang ngăn lửa 150 phút, phải có chất ngăn cháy lan tại các vị trí ống, máng điện… đi xuyên qua các tầng theo chiều đứng và tại các trục kỹ thuật. Chất ngăn cháy lan đảm bảo giãn nở khi có cháy để bít kín lỗ xuyên của đường ống, cáp điện, ngăn không cho lửa lan từ tầng có cháy sang các tầng khác. Đầu phun chữa cháy tự động trong tầng có cháy dập tắt lửa sớm khi có cháy, hạn chế phát sinh khói và gởi tín hiệu báo cháy đến trung tâm báo cháy, quạt hút khói vận hành để hút khói tràn. Như vậy, khi phát cháy trong một tầng nào đó thì lửa bị giam trong tầng đó ít nhất là 150 phút, đủ để người dân chạy thoát bằng cầu thang bộ thoát hiểm và đủ để lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ chữa cháy của mình.

5. TCVN 5738 - 2001 yêu cầu tủ báo cháy phải đặt ở những vị trí an toàn trong phòng điều khiển (được ngăn lửa) để đảm bảo việc vận hành an toàn thông suốt trong thời gian cháy. Cáp điện cấp đến chuông báo cháy phải là cáp chịu lửa hoặc được bảo vệ chống lửa.

6. TCVN 7336 - 2003 yêu cầu cáp cấp điện cho bơm chữa cháy phải là loại cáp chịu lửa hoặc được bảo vệ chống lửa, cũng như phòng bơm chữa cháy là phòng chịu lửa 75 phút.

7. Ít nhất một thang máy được dùng làm thang máy để CSPCCC sử dụng khi có cháy, cáp điện cấp đến thang máy này phải là cáp chịu lửa, và hố thang máy này phải được tạo áp ngăn khói.

8. Phải có hệ thống hút khói ở tầng hầm, quạt hút khói phải là quạt chịu lửa, cáp điện cấp điện cho hút khói phải là loại cáp chịu lửa hoặc được bảo vệ chống lửa

9. Phải có hệ thống đầu phun chữa cháy tự động, chữa cháy vách tường, báo cháy tự động, báo cháy bằng nút khẩn theo QCVN, TCVN.

10. Bồn chứa dầu máy phát điện phải là khoang ngăn lửa.

11. Phòng điện chính phải là khoang ngăn lửa.

12. Đèn khẩn cấp, đèn EXIT luôn sẵn sàng ở chế độ làm việc.

13. Cáp cấp điện đến hệ thống chữa cháy phải là cáp chịu lửa hoặc được bảo vệ chống lửa.

14. Khi có cháy hoặc có tín hiệu cháy, đầu phun chữa cháy tự động hoạt động để dập tắt lửa sớm hạn chế phát sinh khói, tất cả các hệ thống xử lý không khí phải bị dừng ngay lập tức, hệ thống đèn khẩn cấp bật sáng khi mất điện, quạt hút khói tầng hầm khởi động, quạt tạo áp cầu thang khởi động, thang máy chạy xuống tầng trệt dừng hoạt động ở trạng thái mở cửa.

15. Hệ thống PCCC của tòa nhà phải được thường xuyên bảo dưỡng để có thể vận hành bất cứ lúc nào.

Nếu các điều kiện trên được tuân thủ theo TCVN thì khi có cháy, chắc chắn người dân hoàn toàn có thể thoát hiểm bằng cầu thang bộ chạy xuống tầng trệt/ra ngoài trước khi có sự trợ giúp của CSPCCC bằng các phương tiện bổ sung nếu cần thiết. Các phương tiện máy bay cứu hộ, xe thang cứu hộ chỉ là phương tiện bổ sung trong trường hợp khẩn cấp và chỉ cứu được rất ít người, mà chính hệ thống PCCC của tòa nhà cao tầng và cầu thang bộ thoát hiểm là phương tiện tự cứu người hiệu quả nhất.

Trên thế giới, những tòa nhà cao tầng phải đạt được những tiêu chuẩn đã nêu ở trên để người dân tự thoát hiểm chứ không thể có những xe thang cứu hộ vươn tới 100m và máy bay cứu hộ cũng chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp!!!

Trước khi bàn đến việc trang bị trực thăng cứu hộ, sân đáp máy bay trên tầng thượng, xe chữa cháy hiện đại, trang bị chống cháy cá nhân… cho lực lượng CSPCCC, tôi đề nghị cảnh sát PCCC kiểm tra tất cả các tòa nhà cao tầng trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo các tiêu chuẩn đã nêu ở trên để thống kê xem có bao nhiêu tòa nhà cao tầng đạt được các tiêu chuẩn này???!!! Chỉ khi nào chúng ta nhận diện được nguyên nhân cơ bản của các vụ cháy thì chúng ta mới có phương án đối phó với “bà hỏa” một cách hiệu quả.

Tôi phân tích thêm về cách thức thi công và giám sát chất lượng vật tư liên quan:

1. Vật liệu cách nhiệt ngoài chức năng cách nhiệt, còn phải đạt được hai chức năng quan trọng khác là không tạo thành ngọn lửa khi có cháy (hoặc tốt nhất là không bắt lửa) và không tạo khói độc khi bị cháy. Liệu vấn đề này có được quan tâm đúng mức chưa?

2. Ống luồn dây điện PVC phải đạt được hai chức năng quan trọng khác là không tạo thành ngọn lửa khi có cháy và không tạo khói độc khi bị cháy. Nếu trước khi đổ bê tông sàn, ống luồn điện PVC được thi công âm sàn thì giảm thiểu được nguy cơ cháy sau này, nếu không, việc thi công ống luồn điện PVC nổi ở tầng hầm và các tầng khác chằng chịt thì đây là một tác nhân gây cháy và cộng thêm yếu tố nếu ống luồn điện không đạt được chuẩn phòng cháy như đã nêu thì có thể lý giải được thêm nguyên nhân của các đám cháy và khói tràn lan không thể kiểm soát được.

Lê Ngọc Hồ

Tin tức - sự kiện

Video

Sản phẩm tiêu biểu

Hỗ trợ trực tuyến

Truong Dung:

0982676485

Fax:

mydung102@gmail.com
Hỗ trợ trực tuyến

Kinh doanh:

0907 019 019

Fax:

08-62564671
Hỗ trợ trực tuyến

Thống kê truy cập

Online:

5

Tổng truy cập:

666496